Xuất khẩu thủy sản năm 2025: Hướng tới mục tiêu 11 tỷ USD

Xuất khẩu thủy sản năm 2025 Hướng tới mục tiêu 11 tỷ USD

Với những thành tựu nổi bật trong năm 2024, ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế và quyết tâm hướng tới mục tiêu đầy thách thức: chinh phục mốc 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2025.

Ngành thủy sản Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đạt 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực, mở ra nhiều cơ hội cho ngành này.

Sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, và Trung Quốc dự kiến sẽ kéo theo nhu cầu thủy sản gia tăng. Đồng thời, các thị trường mới nổi như châu Phi, Đông Nam Á và Trung Đông cũng đang mở ra nhiều tiềm năng, giúp các doanh nghiệp thủy sản trong nước khai thác cơ hội tăng trưởng.

Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA và CPTPP tiếp tục là lợi thế quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm thuế, mở rộng thị trường và cải thiện năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, việc phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn từ phụ phẩm thủy sản sẽ gia tăng giá trị sản phẩm và đáp ứng thị hiếu quốc tế.

Chính sách thuế mới của Mỹ, nếu được áp dụng, cũng có thể tạo lợi thế khi sản phẩm từ Trung Quốc và các đối thủ khác chịu mức thuế cao hơn. Điều này giúp Việt Nam tăng thị phần nhờ chất lượng ổn định và giá cả cạnh tranh.

Ngành thủy sản Việt Nam hướng tới mốc 11 tỷ USD trong năm 2025.
Ngành thủy sản Việt Nam hướng tới mốc 11 tỷ USD trong năm 2025.

Dù vậy, ngành thủy sản Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2025. Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến môi trường sản xuất nguyên liệu thủy sản, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng. Các yếu tố như nước biển dâng, ô nhiễm nguồn nước và thay đổi nhiệt độ có thể gây dịch bệnh, làm giảm sản lượng và chất lượng nguyên liệu.

Cạnh tranh từ các quốc gia sản xuất thủy sản lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Ecuador cũng là một thách thức. Những nước này không ngừng nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, tạo áp lực cạnh tranh về giá cả và chất lượng đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Chi phí sản xuất ngày càng tăng, bao gồm giá thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu và vận chuyển, cũng ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thêm vào đó, chiến tranh thương mại giữa các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tác động đến giá nguyên liệu đầu vào và chi phí xuất khẩu.

Ngoài ra, thẻ vàng IUU, các biện pháp bảo vệ thương mại như chống bán phá giá và chống trợ cấp, cùng các quy định khắt khe về môi trường và chất lượng, có thể làm gia tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Mặc dù còn nhiều thách thức, VASEP vẫn kỳ vọng ngành thủy sản sẽ đạt bước tiến đáng kể, vượt mốc 10 tỷ USD và tiến gần đến cột mốc 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu – thành tích từng đạt được vào năm 2022. Để đạt mục tiêu này, ngành cần tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường quốc tế và đẩy mạnh phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hồi phục.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *