Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ tận dụng quyền hạn khẩn cấp để đẩy mạnh sản xuất năng lượng trong nước, đồng thời thực hiện các bước đi nhằm hủy bỏ các chính sách khí hậu từ thời Tổng thống Joe Biden, theo nguồn tin thân cận cho biết.
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức vào thứ Hai, Trump dự kiến sẽ đưa ra loạt quyết định, trong đó có việc ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng. Theo nguồn tin đáng tin cậy, ông sẽ thúc đẩy chính sách mới nhằm mở rộng khai thác dầu khí trên đất liền, đồng thời rút lại các quy định khí hậu do chính quyền Biden thiết lập trước đó.
Các sắc lệnh hành pháp này, dù cần thời gian để thực thi, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngành năng lượng Mỹ, từ các công ty dầu khí cho đến các đại lý ô tô. Những thay đổi này thể hiện rõ quyết tâm của Trump trong việc tái định hình chính sách năng lượng quốc gia, chuyển hướng mạnh mẽ từ các nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của chính quyền tiền nhiệm.

Hiện vẫn chưa rõ cụ thể việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ được triển khai như thế nào, nhưng tổng thống Mỹ có thể sử dụng quyền hạn đặc biệt để tác động đến vận chuyển dầu thô, sản xuất và phân phối điện năng.
Trong chiến dịch tranh cử, Trump nhiều lần nhấn mạnh ý định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao, đặc biệt khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng.
“Chúng ta cần sử dụng quyền hạn đặc biệt để tạo điều kiện xây dựng các nhà máy lớn và cơ sở AI,” Trump tuyên bố tại Capital One Arena vào ngày 19/01. “Nhu cầu năng lượng sẽ tăng gấp đôi, thậm chí còn nhiều hơn nữa.”
Theo báo cáo từ Trung tâm Công lý Brennan, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ mở ra quyền tiếp cận đến hơn 150 quyền hạn đặc biệt, thường được dùng để đối phó với thiên tai, khủng bố hoặc các tình huống khẩn cấp khác.
Dù vậy, khả năng Trump có thể thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thêm cơ sở năng lượng vẫn còn nhiều thách thức. Trước đây, trong nhiệm kỳ đầu, ông từng thất bại khi cố sử dụng quyền khẩn cấp để duy trì hoạt động các nhà máy điện than và hạt nhân không hiệu quả về kinh tế.
Động thái này cũng phản ánh sự thay đổi lớn trong chính sách tại Washington, nơi các nhà hoạt động môi trường đã nhiều lần kêu gọi ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu nhằm ngừng xuất khẩu dầu và giảm sản xuất nhiên liệu hóa thạch.