Ngân hàng tăng tốc trả cổ tức: Vietcombank gần 50%, VietinBank 45%, ACB, HDBank, VIB chi tiền mặt

Ngân hàng tăng tốc trả cổ tức Vietcombank gần 50%, VietinBank 45%, ACB, HDBank, VIB chi tiền mặt

Các ngân hàng mạnh tay chi trả cổ tức khi kết quả kinh doanh năm 2024 duy trì đà tăng trưởng ổn định, đồng thời triển vọng năm 2025 được dự báo đầy tích cực.

Hôm nay (12/3), Vietcombank (VCB) bước vào ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 2,76 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 49,5% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ nhận thêm 495 cổ phiếu mới). Số cổ phiếu này được phát hành từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau khi đã trích lập các quỹ lũy kế đến cuối năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Đây là đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu có tỷ lệ cao nhất của Vietcombank từ trước đến nay, vượt qua kỷ lục 35% vào năm 2016. Ngay đầu năm 2025, Vietcombank thực hiện đợt trả cổ tức sau khi không tiến hành chi trả nào trong năm 2024. Lần gần nhất ngân hàng này chia cổ tức là vào tháng 8/2023, khi phát hành gần 857 triệu cổ phiếu để chi trả phần cổ tức còn lại của năm 2019 và 2020.

VietinBank cũng đề xuất kế hoạch phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu (tương đương 44,64%) để chia cổ tức.
VietinBank cũng đề xuất kế hoạch phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu (tương đương 44,64%) để chia cổ tức.

Trong tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, VietinBank cũng đề xuất kế hoạch phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu (tương đương 44,64%) để chia cổ tức. Tổng giá trị phát hành dự kiến theo mệnh giá lên đến hơn 23.971 tỷ đồng, lấy từ lợi nhuận còn lại các năm 2021, 2022 và giai đoạn 2009-2016. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng thêm gần 24.000 tỷ đồng, đạt mức 77.671 tỷ đồng. Nếu kế hoạch này được thông qua, đây sẽ là đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu có tỷ lệ cao nhất của VietinBank. Trước đó, năm 2023 ngân hàng đã chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11,74%, còn năm 2021 là 29%.

Bên cạnh đó, ACB cũng lên kế hoạch trả cổ tức với tổng tỷ lệ 25%, bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu. Ngân hàng dự kiến phát hành gần 670 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 15%. Nếu hoàn thành, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 44.666 tỷ đồng lên 51.366 tỷ đồng trong quý 3/2025. Ngoài ra, ACB cũng sẽ chi khoảng 4.466 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.

HDBank cũng công bố kế hoạch chi trả cổ tức cho năm 2024 với tổng mức tối đa lên đến 30% vốn điều lệ. Trong đó, phần cổ tức tiền mặt có thể lên đến 15% vốn điều lệ, cụ thể sẽ được trình tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới.

Nam A Bank có kế hoạch phát hành thêm 343,1 triệu cổ phiếu để chia cổ tức trong năm 2025, tương đương tỷ lệ 25%. Số cổ phiếu này sẽ được lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu, bao gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và các quỹ khác theo quy định tại thời điểm 31/12/2024. Dự kiến, việc phát hành sẽ diễn ra sau khi nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

VIB cũng vừa công bố kế hoạch chi trả cổ tức trong năm 2025, dự kiến được trình cổ đông thông qua vào cuối tháng 3. Theo đó, ngân hàng sẽ trả cổ tức năm 2024 bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Cụ thể, VIB dự kiến chi hơn 2.085 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, đồng thời phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu thưởng, tương đương tỷ lệ 14%.

Xu hướng các ngân hàng đẩy mạnh chia cổ tức diễn ra trong bối cảnh lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 tiếp tục tăng trưởng ổn định và dự báo tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong năm 2025. Theo báo cáo tài chính quý 4/2024, tổng lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng niêm yết đạt gần 238.000 tỷ đồng trong năm 2024, tăng khoảng 4,9% so với năm trước. Trong đó, 19/27 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ.

Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh quý 1/2025 do Ngân hàng Nhà nước công bố, hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý 1 và cả năm 2025. Cụ thể, có khoảng 74,6-84,2% TCTD kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ khả quan hơn, trong khi 85,1% dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trưởng so với năm 2024. Tuy nhiên, vẫn có 9,6% tổ chức lo ngại lợi nhuận giảm và 5,3% cho rằng lợi nhuận sẽ không thay đổi so với năm trước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *