Giá vàng vượt 100 triệu đồng/lượng, nhiều người rút tiền tiết kiệm để mua vàng

giá vàng lên 100 triệu đồnglượng trong khi 20 ngân hàng giảm lãi suất huy động

Giá vàng tăng mạnh, vượt mốc 100 triệu đồng/lượng, trong khi lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, khiến nhiều người rút tiền gửi để đầu tư vào vàng. So với mức sinh lời của vàng, tiền gửi tiết kiệm từ đầu năm đến nay chỉ đạt 1/15, khiến kênh đầu tư này kém hấp dẫn. Trước xu hướng này, nhu cầu mua vàng tăng cao, nhiều cửa hàng phải giới hạn số lượng bán ra để đáp ứng lượng khách đổ về giao dịch.

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 19/3, chính thức vượt ngưỡng 100 triệu đồng/lượng. Hiện tại, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức mua – bán 98,75 – 100,3 triệu đồng/lượng. Tại PNJ, giá vàng nhẫn dao động từ 98,3 – 99,9 triệu đồng/lượng, trong khi SJC ghi nhận mức giá khoảng 98,2 – 99,8 triệu đồng/lượng.

So với đầu năm 2025, khi giá vàng nhẫn dao động trong khoảng 83 – 84 triệu đồng/lượng, mức tăng hiện tại đã đạt 15,5 – 16 triệu đồng/lượng, tương ứng với tỷ suất sinh lời khoảng 19%. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm trong những tháng đầu năm duy trì mức ổn định nhưng có xu hướng giảm, dao động từ 5,5% – 6,5%/năm. Tính trong 2,5 tháng, mức sinh lời từ tiết kiệm chỉ đạt 1,3% – 1,4%, thấp hơn rất nhiều so với vàng.

Bên cạnh đó, từ cuối tháng 2, khoảng 20 ngân hàng đã công bố điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm với mức giảm từ 0,1% đến 1%/năm, khiến kênh này ngày càng kém hấp dẫn. Đồng thời, USD cũng không thể cạnh tranh với vàng khi từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng chỉ tăng khoảng 180 đồng, tương đương gần 0,7%, hiện dao động quanh mức 25.730 VND/USD.

Xu hướng chuyển tiền từ tiết kiệm sang vàng
Xu hướng chuyển tiền từ tiết kiệm sang vàng

Trước sự chênh lệch về khả năng sinh lời giữa vàng và các kênh đầu tư truyền thống, nhu cầu mua vàng gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Tại Hà Nội, từ sáng 19/3, nhiều người xếp hàng tại các cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông để mua vàng. Do lượng khách tăng mạnh, một số tiệm vàng giới hạn số lượng mua mỗi người.

Anh Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) đã rút hơn 100 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm để mua vàng sau khi nhận thấy lãi suất giảm và giá vàng tiếp tục tăng. Tuy nhiên, do giới hạn mua, anh không thể mua số lượng mong muốn. “Giá vàng tăng nhanh quá, nếu mua sớm hơn có lẽ sẽ có lợi hơn”, anh chia sẻ.

Tương tự, chị Hà (Đống Đa, Hà Nội) đã mua một chiếc nhẫn vàng 2 chỉ với giá hơn 20 triệu đồng. Chị tiếc nuối vì không mua sớm vào ngày vía Thần Tài, khi giá vàng còn thấp hơn. “Cả năm qua gửi tiết kiệm tiền lãi không bằng mức tăng giá vàng chỉ trong vài phiên gần đây”, chị nói.

Đứng trước quyết định đầu tư, chị Hiền (Phú Thọ) cũng cân nhắc giữa việc mua vàng và gửi tiết kiệm. Với số tiền 300 triệu đồng vừa đáo hạn, chị nhận thấy lãi suất ngân hàng giảm chỉ còn hơn 5%/năm, trong khi giá vàng tăng mạnh. Sau khi tham khảo ý kiến người thân, chị quyết định chia đôi số tiền: một phần gửi tiết kiệm, phần còn lại mua vàng để dự phòng. “Sau này, tôi cũng cần vàng để lo cưới hỏi cho con cái, nên mua dần là hợp lý”, chị chia sẻ.

Theo các chuyên gia, đà tăng giá vàng trong nước chủ yếu do tác động từ thị trường quốc tế. Những yếu tố như bất ổn địa chính trị, chính sách tiền tệ nới lỏng, động thái mua vàng của các ngân hàng trung ương, cùng với lo ngại về chính sách thuế quan từ chính quyền Tổng thống Donald Trump đã góp phần đẩy giá vàng lên cao.

Dù vàng đang là kênh đầu tư hấp dẫn, giới phân tích cảnh báo thị trường có thể biến động mạnh trong thời gian tới. Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định mua vào để tránh rủi ro khi giá vàng thay đổi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *