Tây Ban Nha đang lên kế hoạch áp thuế 100% đối với bất động sản do người ngoài EU mua, nhằm hạn chế đầu cơ và giải quyết tình trạng khan hiếm nhà ở. Thủ tướng Pedro Sánchez khẳng định, đây là biện pháp chưa từng có nhưng cần thiết để ngăn chặn sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, đảm bảo người dân có cơ hội tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn.
Tây Ban Nha dự định áp thuế 100% đối với bất động sản do người ngoài Liên minh châu Âu (EU) mua nhằm kiểm soát tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng.
Với khí hậu dễ chịu cùng những bãi biển tuyệt đẹp, Tây Ban Nha từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách và giới đầu tư bất động sản quốc tế. Là nền kinh tế lớn thứ tư trong EU và đứng thứ 14 toàn cầu về GDP danh nghĩa, nước này hiện đang tìm cách điều chỉnh chính sách để ưu tiên nhu cầu nhà ở của công dân trong nước.
Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sánchez, cho biết loại thuế bất động sản hoàn toàn mới này là biện pháp cần thiết để đối phó với tình trạng nhà ở ngày càng khó tiếp cận.
“Chúng ta đang đối mặt với một thách thức lớn. Không thể để xã hội bị phân hóa thành hai tầng lớp: những chủ nhà giàu có và người thuê nhà ngày càng chật vật”, ông Sánchez nhấn mạnh.
Theo số liệu năm 2023, cư dân ngoài EU đã mua khoảng 27.000 bất động sản tại Tây Ban Nha nhưng phần lớn không sử dụng để ở. Nhà bán cho người nước ngoài, bao gồm cả công dân EU, hiện chiếm khoảng 15% tổng giao dịch bất động sản của nước này.

“Những giao dịch này chủ yếu phục vụ mục đích đầu cơ, kiếm lợi nhuận thay vì đáp ứng nhu cầu ở thực. Đây là điều mà trong bối cảnh hiện tại, chúng ta không thể tiếp tục cho phép”, ông Sánchez nói thêm.
Dù chưa công bố thời điểm áp dụng cụ thể, chính phủ Tây Ban Nha đang chuẩn bị trình kế hoạch này lên quốc hội để xem xét thông qua.
Tình trạng khan hiếm nhà ở và sự leo thang của giá bất động sản
Nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu đang đối diện với áp lực lớn về nhu cầu nhà ở. Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha ước tính, trong vòng hai năm tới, nước này cần thêm 550.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, giá bất động sản đã tăng tới 48% trong thập kỷ qua.
Rafael Doménech, chuyên gia tại BBVA Research, chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở là sự hạn chế về quỹ đất xây dựng. Dù có quỹ đất sẵn có, nhưng đất đủ điều kiện để phát triển lại bị giới hạn bởi những quy định chặt chẽ và thủ tục hành chính phức tạp.
Để kiềm chế tình trạng bất động sản bị đầu cơ và giá nhà leo thang, Tây Ban Nha đã chấm dứt chương trình thị thực vàng vào tháng 4/2024. Chính sách này từng cho phép người nước ngoài đầu tư từ 500.000 euro vào bất động sản để nhận quyền cư trú. Tuy nhiên, chương trình đã vô tình đẩy giá nhà tại các thành phố lớn như Barcelona lên mức quá cao, khiến người dân bản địa gặp khó khăn trong việc mua nhà.
Không chỉ vậy, nhu cầu nhà ở còn chịu áp lực từ sự bùng nổ du lịch và hình thức cho thuê ngắn hạn. Năm 2024, Tây Ban Nha đón kỷ lục 94 triệu du khách quốc tế. Dù du lịch là một trong những ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế, nhưng việc nhiều chủ nhà ưu tiên cho thuê theo ngày để tối đa hóa lợi nhuận thay vì cho thuê dài hạn đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhà ở.
Tình trạng mất cân đối giữa giá nhà và thu nhập cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Trong vòng 10 năm, giá mỗi foot vuông (tương đương 0,09 m²) tại Tây Ban Nha đã tăng 82%, trong khi thu nhập trung bình của người lao động chỉ tăng 17%.
Với những chính sách quyết liệt như thuế bất động sản mới, chính phủ Tây Ban Nha đang nỗ lực đưa thị trường nhà đất trở lại trạng thái cân bằng, đảm bảo quyền tiếp cận nhà ở cho người dân trong nước.