Việt Nam quyết tâm cải thiện vị thế thị trường chứng khoán vào năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị

Chính phủ đặt mục tiêu đầy tham vọng trong Nghị quyết 01 năm 2025 phải phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính và thị trường vốn. Không chỉ để huy động nguồn lực cho nền kinh tế mà còn phấn đấu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên một tầm cao mới với mục tiêu nâng hạng quốc tế.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01, trong đó đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025. Một trong những trọng tâm của nghị quyết là thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính và thị trường vốn nhằm huy động nguồn lực cho nền kinh tế, đồng thời duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Năm 2025, mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Chính phủ cũng cam kết thực hiện đồng bộ các biện pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, an toàn và lành mạnh.

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo chiến lược của FIDT, thị trường chứng khoán Việt Nam đã được FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi từ tháng 9/2018. Tuy nhiên, việc nâng hạng chưa được thực hiện do vướng mắc về tiêu chí “thanh toán bù trừ”. Thông tư 68, có hiệu lực từ ngày 2/11/2024, được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề này. FIDT dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào kỳ đánh giá tháng 9/2025 hoặc sớm nhất là tháng 3/2025.

Về phía MSCI, mặc dù Việt Nam đã đáp ứng cơ bản các tiêu chí định lượng, vẫn cần cải thiện các tiêu chí định tính như khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, giới hạn sở hữu nước ngoài, công bố thông tin bằng tiếng Anh, và sự tự do trong thị trường ngoại hối.

Chứng khoán ACB (ACBS) cũng dự báo Việt Nam có thể được FTSE Russell nâng lên nhóm thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 9/2025. Việc nâng hạng chính thức có thể diễn ra vào năm 2026, tạo điều kiện cho các quỹ ETF bắt đầu mua vào cổ phiếu Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng của Việt Nam trong nhóm này dự kiến sẽ không cao.

ACBS ước tính VN-Index sẽ chiếm khoảng 0,3 – 0,4% tỷ trọng trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE, với khoảng 222 mã chứng khoán đáp ứng điều kiện vào danh mục. Tỷ trọng của từng mã sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ vốn hóa có thể đầu tư, trong đó top 20 cổ phiếu lớn nhất chiếm tới 60% tổng vốn hóa.

Theo ước tính, thị trường Việt Nam có thể thu hút khoảng 300 – 400 triệu USD từ quỹ Vanguard FTSE Emerging Markets ETF. Tổng vốn từ các quỹ chủ động và bị động đầu tư vào thị trường Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 5 – 6 tỷ USD.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *